Trang web này được xây dựng nhằm giới thiệu “DU LỊCH DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG (DLDVCĐ)” – một loại hình du lịch phát triển dựa vào các nguồn lực thiên nhiên, văn hóa truyền thống của người “Cơ Tu” -một cộng đồng dân tộc thiểu số tại miền Trung Việt Nam, với mục đích bảo tồn các nguồn lực văn hóa và thiên nhiên của khu vực cũng như cải thiện thu nhập cho cộng đồng. Trang web này cũng là nơi giới thiệu đến quý khách Tour du lịch DLDVCĐ Cơ Tu và những cảm nhận của du khách khi tham gia tour này. 

Văn phòng đại diện Tổ chức Cứu trợ/ Phát triển Quốc tế tại Việt Nam hiện đang triển khai dự án này.

 

“Du lịch dựa vào cộng đồng” là một hình thức phát triển du lịch được chủ động thực hiện bởi người dân địa phương nhằm phát huy các nguồn lực địa phương như văn hóa truyền thống và các nguồn tài nguyên quý giá.

 

Mối quan hệ giữa Tổ chức FIDR và huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam

Tại sao lại phát triển “Du lịch”? Sau đây là câu chuyện về những sự việc đã diễn ra cho đến ngày hôm nay.

 

Vùng rừng núi miền Trung Việt Nam là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Điều kiện sống ở nơi đó vẫn còn rất nhiều khó khăn mặc dầu nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Vì vậy, phát triển nội lực của địa phương là điều cần thiết để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. 

Từ năm 2001 tới năm 2007, Tổ chức FIDR đã triển khai dự án phát triển cộng đồng đa hợp phần tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nhằm góp phần cải thiện đời sống sinh kế của người dân thông qua các hoạt động như tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, cải thiện dinh dưỡng, chăn nuôi và xóa mù chữ nhằm tăng thu nhập cho cộng đồng. 

Bắt nguồn từ dự án phát triển cộng đồng đó, “Dự án Hỗ trợ Phát triển Dệt Thổ cẩm Cơ Tu” được hình thành và triển khai từ năm 2008 đến 2012 dựa trên mong muốn của chị em phụ nữ Cơ Tu là phát triển đời sống sinh kế thông qua việc sản xuất các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của mình. Qua quá trình triển khai dự án, các chị em phụ nữ Cơ Tu này đã có đủ năng lực để tự quản lý sản xuất, xúc tiến bán hàng cũng như điều hành hoạt động của nhóm. Một thời gian sau, nhóm đã được công nhận là Hợp tác xã dân tộc thiểu số đầu tiên của Quảng Nam và đươc chứng nhận là “Làng nghề truyền thống”.

Danh tiếng về các mặt hàng thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu dần lan rộng và làm gia tăng số lượng du khách, bao gồm cả du khách quốc tế đến với thôn vùng cao này.

Nhờ đó, không chỉ phụ nữ mà những người đàn ông nơi đây cũng đã bắt đầu nhận ra giá trị của “văn hóa Cơ Tu” với suy nghĩ “Chúng tôi còn có nhiều báu vật quý giá hơn nữa”, “Chúng tôi muốn gởi gắm niềm tự hào là người Cơ Tu và truyền thống quý báu của mình đến với các thế hệ sau”.

Qua 2 dự án đã được triển khai, FIDR nhận thấy tiềm năng rất lớn để phát triển “Du lịch dựa vào cộng đồng” qua việc phát hiện các điểm mạnh cũng như điểm yếu của địa phương và môi trường chung quanh. Cùng lúc đó, chính quyền địa phương cũng hình thành chính sách phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch và yêu cầu sự hỗ trợ từ FIDR. Đó chính là qui trình đã đưa Tổ chức FIDR đến với việc triển khai “Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” vào năm 2012.